Kiểm toán Báo cáo tài chính

Nội dung cơ bản kiểm toán Báo cáo tài chính theo luật định tại Việt Nam

Cuộc kiểm toán phải tuân thủ theo các Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế được chấp nhận tại Việt Nam, các quy định hiện hành về tài chính, kế toán và kiểm toán của Nhà nước Việt Nam và các quy định có liên quan khác

NỘI DUNG CƠ BẢN KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH THEO LUẬT ĐỊNH TẠI VIỆT NAM

1/ Mục đích kiểm toán

Để phục vụ cho mục tiêu quản lý của các đơn vị, các nhà đầu tư, các nhà quản lý… thì các đơn vị cần có được những thông tin tài chính chính xác và kịp thời để đưa ra được các quyết định kinh tế của mình. Những thông tin này cần được đảm bảo ở một mức độ tin cậy cao, đảm bảo tính trung thực và khách quan.

Mục đích của cuộc kiểm toán là nhằm đưa ra ý kiến nhận xét độc lập của Kiểm toán viên và Công ty kiểm toán về tính trung thực và khách quan của các Báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán. Cuộc kiểm toán cũng bao gồm cả việc đưa ra các ý kiến nhận xét về công tác tài chính kế toán nhằm giúp đơn vị hoàn thiện hơn nữa công tác kế toán và quản lý tài chính, cung cấp được các thông tin tin cậy, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý của các đơn vị.

Cuộc kiểm toán phải tuân thủ theo các Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế được chấp nhận tại Việt Nam, các quy định hiện hành về tài chính, kế toán và kiểm toán của Nhà nước Việt Nam và các quy định có liên quan khác.

2/ Phạm vi công việc kiểm toán

Công việc kiểm toán được thực hiện theo các chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, bao gồm các thử nghiệm và các thủ tục kiểm toán khác mà kiểm toán viên cân nhắc là cần thiết trong từng trường hợp cụ thể. Công việc kiểm toán  sẽ lập kế hoạch kiểm toán nhằm phát hiện ra các sai sót trọng yếu. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, phạm vi kiểm toán sẽ được mở rộng để đảm bảo:

–          Hệ thống kế toán và các báo cáo tài chính đơn vị được kiểm toán đã được xây dựng phù hợp, phản ánh trung thực và đúng đắn tình hình tài chính của đơn vị tại thời điểm kết thúc năm tài chính.

–          Tất cả các chứng từ, sổ kế toán và tài khoản kế toán được lập, ghi chép, lưu trữ phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị, có mối liên hệ logic chặt chẽ giữa chứng từ kế toán, sổ kế toán và các Báo cáo tài chính của đơn vị.

–          Các Báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực, hợp lý về tình hình tài chính tại thời điểm kết thúc kỳ/năm tài chính được kiểm toán.

3/ Nội dung thực hiện kiểm toán

Công việc kiểm toán Báo cáo tài chính năm kết thúc kỳ/năm của Quý đơn vị tuân theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, các Chuẩn mực Quốc tế được thừa nhận ở Việt Nam.

Cuộc kiểm toán phải thực hiện được các nội dung sau:

–     Việc quản lý, sử dụng tài sản, nguồn vốn của đơn vị.

–     Việc chấp hành các chế độ quản lý kinh tế tài chính – kế toán thống kê của Nhà nước.

Cuộc kiểm toán phải làm rõ được các vấn đề sau:

–     Các thông tin tài chính có được lập trên cơ sở các chế độ tài chính, kế toán hiện hành của Nhà nước Việt Nam hay không? Các chế độ này có được áp dụng một cách nhất quán và kịp thời không?

–     Các thông tin trên Báo cáo tài chính có phản ánh một cách trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu về tình hình tài chính của đơn vị  tại thời điểm kết thúc niên độ kế toán; về tình hình hoạt động của đơn vị trong niên độ kế toán.

–     Cuộc kiểm toán cũng đòi hỏi phải đưa ra các ý kiến nhận xét về hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống kế toán của đơn vị, bao gồm các nhận xét về:

+         Công tác ghi chép chứng từ kế toán, luân chuyển chứng từ kế toán, ghi sổ kế toán và công tác quản lý, lưu trữ các chứng từ kế toán.

+         Phương pháp lập Báo cáo tài chính và các Báo cáo quản trị, các tài liệu kế toán có liên quan.

+         Công tác hạch toán kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ.

4/ Báo cáo kiểm toán và Thư quản lý

Kết thúc cuộc kiểm toán, kiểm toán viên và Công ty kiểm toán sẽ phải lập và phát hành cho Quý đơn vị Báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính kết thúc kỳ/năm.

Thư quản lý (nếu có): Khi kết thúc cuộc kiểm toán báo cáo tài chính kỳ/năm, Công ty kiểm toán sẽ phát hành thư quản lý (nếu có) nhằm đề xuất cho Qúy đơn vị hoàn thiện hơn hệ thống kế toán, hệ thống kiểm soát nội bộ và khắc phục những điểm yếu mà kiểm toán viên và Công ty kiểm toán nhận thấy trong quá trình kiểm toán.